Công ty cổ phần xi măng Vicem Hà Tiên

Tin tức

Nửa thế kỷ Vicem Hà Tiên

23/04/2021 15:02

Nhà máy Xi măng Hà Tiên bắt đầu sản xuất tấn xi măng đầu tiên vào năm 1964, là một trong những đơn vị tiên phong trong ngành công nghiệp nặng tại miền Nam. Trải qua 50 năm, đến nay, Công ty cổ phần Hà Tiên 1 đã trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam.Khán phòng rộng lớn của khách sạn 5 sao InterContinental Saigon vào một buổi tối cuối tuần chật kín người. Xen lẫn những mái đầu xanh của người trẻ là những mái tóc bạc, những khuôn mặt đã hằn nếp nhăn tuổi tác. Họ đi lại, bắt tay nói cười, hỏi han nhau như những người bạn tri kỷ lâu ngày gặp lại. Có người còn phong độ, nhưng cũng có người được dìu lên sân khấu để nhận kỷ niệm chương trong lễ kỷ niệm Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 bước vào tuổi 50.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1, chia sẻ với các đồng nghiệp: “Nửa thế kỷ trôi qua, thế hệ cha anh có người không còn nữa. Thế hệ Vicem Hà Tiên hôm nay và về sau không quên công sức của các thế hệ đi trước. Lịch sử là sự nối tiếp, gắn liền với từng bước đi của tập thể, của mỗi cá nhân. Ở dấu mốc lịch sử này, cũng là lúc thế hệ hôm nay tiếp bước cha anh, gánh vác những trọng trách lớn, tiếp tục đưa Kỳ Lân xanh tiến lên”.

Giai đoạn đầu đầy khó khăn

Năm mươi năm trước, Xi măng Hà Tiên bước những bước đi đầu tiên của mình trong ngành vật liệu xây dựng với hai nhà máy, một đặt tại huyện Hà Tiên (nay là Kiên Lương) thuộc tỉnh Kiên Giang có công suất 280.000 tấn clinker/năm (clinker là nguyên liệu đầu vào để sản xuất xi măng bột), và một trạm nghiền đặt tại quận Thủ Đức, TPHCM với công suất 300.000 tấn xi măng/năm. Sự ra đời của nhà máy cùng với biểu tượng sản phẩm là con Kỳ Lân xanh đã đánh dấu sự khởi đầu của ngành công nghiệp xi măng tại miền Nam.

Có một sự kiện được ông Nguyễn Tuấn Anh nhắc lại tại buổi lễ mà có lẽ những người thuộc thế hệ đầu của Xi măng Hà Tiên không thể quên. Đó là vào năm 1978, khi quân của Pôn Pốt tràn qua biên giới, đánh thẳng vào cơ sở sản xuất của công ty ở Kiên Lương, cán bộ và công nhân viên của nhà máy phải vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ nhà máy.

Nhưng không chỉ có thế. Toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt vào năm 1964 nhập từ Pháp trải qua gần 15 năm vận hành cộng với tác hại từ trận lụt lịch sử năm 1978, nhiều bộ phận trong dây chuyền sản xuất ở cả hai nhà máy Kiên Lương và Thủ Đức bắt đầu hư hỏng, cần được thay thế nhưng lại không thể nhập khẩu vì lúc ấy Việt Nam đang bị cấm vận. “Đây là những tháng năm vô cùng khó khăn. Nhà máy phải duy trì sản xuất trong tình trạng thiếu thốn lương thực, với nỗi lo thường trực về khả năng thiết bị bị hư hỏng, không có vật tư và phụ tùng thay thế”, ông Nguyễn Tuấn Anh nhắc lại.

Năm 1978, Xi măng Hà Tiên sản xuất được 312.000 tấn xi măng, vượt công suất thiết kế 11,4%. Đây cũng là “đỉnh cao” sản lượng của công ty tính từ năm 1964. Ở thời điểm đó, kết quả này được xem là một kỳ tích.

Bắt đầu phát triển

Thập kỷ 80 của thế kỷ 20 là khởi đầu cho giai đoạn phát triển về quy mô của Xi măng Hà Tiên. Đầu tiên là dự án mở rộng trạm nghiền ở Thủ Đức để đưa công suất thiết kế lên 0,5 triệu tấn xi măng/năm. Tiếp theo là chương trình đầu tư lò nung ở Kiên Lương với công xuất 0,9 triệu tấn clinker/năm vào năm 1990 và một máy nghiền công suất 0,5 triệu tấn xi măng/năm (1992). Nhưng chỉ một năm sau, vào năm 1993, Xi măng Hà Tiên bị chia tách làm hai: Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 ở quận Thủ Đức, TPHCM và Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2 ở Kiên Lương. Việc chia tách này đã để lại nhiều ưu tư trong tập thể người lao động.
Năm 2007 là cột mốc quan trọng của Xi măng Hà Tiên 1 khi công ty này chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần và trở thành công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Ba năm sau, năm 2010, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 và Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 2 lại được sáp nhập thành một với thương hiệu là Vicem Hà Tiên, hoàn thành khát vọng “không thể chia tách” của nhiều thế hệ người lao động tại đây.

…và tiếp tục phát triển

Sự ra đời của trạm nghiền Cam Ranh với công suất ban đầu là 0,5 triệu tấn xi măng/năm (2011) và việc hoàn thành dây chuyền 2 Nhà máy Xi măng Kiên Lương có công suất 1,26 triệu tấn clinker/năm và 0,6 triệu tấn xi măng/năm (2012) là bước khởi đầu trong chiến lược tập trung năng lực, mở rộng thị trường, nâng cao cạnh tranh và sẵn sàng hội nhập mà Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam đã ủy thác cho Vicem Hà Tiên.

Tới thời điểm hiện nay, Vicem Hà Tiên với hai nhà máy và bốn trạm nghiền có thể cung cấp cho thị trường khoảng 7,3 triệu tấn xi măng mỗi năm. Tính từ năm 1997 đến nay, Vicem Hà Tiên đã sản xuất khoảng 40 triệu tấn xi măng, nắm giữ khoảng 30% thị trường xi măng phía Nam. Với hệ thống phân phối trải dài từ Bình Định tới mũi Cà Mau, cộng với ưu thế có các điểm giao hàng tại Bình Phước, Cam Ranh, Long An, TPHCM và Kiên Lương, Vicem Hà Tiên đang tự tin với chiến lược kinh doanh của mình.

Tại lễ kỷ niệm 50 năm phát triển của Vicem Hà Tiên, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nói rằng Vicem Hà Tiên đã tạo được thương hiệu trên thị trường, lập được chuẩn về giá bán và chất lượng cho các hãng sản xuất xi măng khác so sánh, đối chiếu.

Uy tín về thương hiệu của Vicem Hà Tiên được xây dựng trên nền tảng triết lý kinh doanh: “Lớn mạnh do bạn và vì bạn”. Ông Nguyễn Tuấn Anh nói Vicem Hà Tiên khó có được vị thế mạnh như ngày nay nếu không xây dựng được lòng tin vững chắc nơi người tiêu dùng.

Hiện nay, điều kiện thị trường không mấy thuận lợi cho ngành xi măng, và tất nhiên trong đó có Vicem Hà Tiên. Nhưng với nền tảng triết lý kinh doanh đó, ông Tuấn Anh tin rằng thế hệ của ông sẽ đáp ứng được kỳ vọng của những thế hệ đi trước, đó là tiếp tục đưa Kỳ Lân xanh phát triển.

( Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn )